NATURAL DISASTER RELIEF

Đạo diễn Quốc Võ hướng về miền Trung và công bố dự án cầu thiện nguyện Trái Tim Việt 02

Dù là dịp cuối năm tất bật với bao dự án, đạo diễn Quốc Võ vẫn dành trọn tâm huyết để thực hiện show diễn thiện nguyện gây quỹ xây cầu cho người dân tại Vĩnh Long.

Đạo diễn Quốc Võ

Nhắc đến đạo diễn Quốc Võ, người ta không chỉ nhớ tới cái tên của một vị đạo diễn tài năng, một nhạc sĩ chơi đàn giỏi, viết nhạc hay mà còn là một người mang tấm lòng nhân ái.

Ngoài công việc đạo diễn, Quốc Võ vấn tham gia hoạt động chơi nhạc cho các chương trình, số tiền kiếm được từ công việc này anh dành để thực hiện các chương trình thiện nguyện. Nam đạo diễn tài năng cũng chia sẻ đây sẽ là hoạt động mà anh sẽ thực hiện đến hết cuộc đời mình.

Vừa qua, trong một lần về Vĩnh Long, chứng kiến người dân, đặc biệt là các em nhỏ ngày ngày phải bơi qua con sông chảy xiết để tới trường, nhất là khi vào mùa mưa lũ, nước dâng cao vô cùng nguy hiểm. Những hình ảnh đó cứ mãi đau đáu trong đầu Quốc Võ thôi thúc anh ấp ủ dự án xây dựng cây cầu bắc qua sông cho người dân thuận tiện đi lại.

Số tiền để xây dựng cây cầu kiên cố là không nhỏ, song đạo diễn Quốc Võ tin tình cảm yêu thương, lá lành đùm lá rách của người Việt sẽ giúp anh thực hiện được ước mong của mình. Đó cũng là lý do anh đầu tư tâm huyết để thực hiện show diễn thiện nguyện tới đây.

Chương trình với sự đồng hành với đông đảo anh chị em nghệ sĩ và các đơn vị tài trợ đồng hành như: Công ty B&T Insurance, Phở Filet, Golden World, Trầm Hương Nguyễn, Starnight Ballroom Dance, Công ty TNHH Keva Link…

Show sẽ chính thức diễn ra vào ngày 2/2/2020 tại nhà hàng Golden Sea. Tất cả số tiền thu lại trong show diễn này sẽ là quỹ xây dựng chiếc cầu với tên gọi Trái tim Việt.

Bên cạnh đó, nam ca sĩ cũng sẽ quyên góp toàn bộ số tiền bán được của CD “Tạ ơn đời” gồm 9 bài hát do chính anh sáng tác để chung tay vào quỹ xây cầu.

Với tinh thần tương thân tương ái, những nỗ lực đầy tâm huyết của mình, đạo diễn Quốc Võ cũng tự tin dự án thiện nguyện nhất định sẽ thành công, sang năm mới người dân sẽ có cây cầu nối dài niềm vui của yêu thương.

Read more

Nhật ký từ thiện ngày 22 tháng 8 năm 2011

Bây giờ là 7:30 tối trên chuyến bay ra Huế thăm gia đình bên nội. Đêm nay tôi thở phào nhẹ nhõm khi công việc từ thiện tại Việt Nam đã hoàn thành tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp làm việc từ thiện qua bao năm tháng ấp ủ. Lần này trách nhiệm của tôi rất nặng nề nhưng vì lòng tin yêu của những đồng nghiệp, bạn bè và người thân đã gửi gắm nên tôi không thể thực hiện công việc một cách sơ suất và thiếu sót được.Nghĩ lại những việc trong ngày hôm nay cùng với đồng đội đã làm, tôi mỉm cười một mình. 12 ngày qua làm công tác từ thiện với nhiều kỷ niệm vui có, buồn có, cay đắng xót xa có, hạnh phúc ngọt ngào có. Tôi cười vì đã gặp không ít chuyện khôi hài xảy ra và cũng đau xót không kém cho những mảnh đời nghiệt ngã đau đớn mà chúng tôi đã gặp phải.Lẽ ra sáng nay phái đoàn của chúng tôi sẽ đến các bệnh viện để phát quà, nhưng do anh Thuận sáng nay phải đi đóng phim tận Củ Chi nên chúng tôi dời lại buổi chiều. Hôm nay, tôi phải cho anh Thuận 10 điểm vì sự nhiệt tình của anh. Anh kể lại rằng 5 giờ sáng là phải chạy xe máy xuống Củ Chi để quay cảnh mặt trời lên và quay liên tục nhiều cảnh mãi đến 12 giờ trưa mới xong. Sau đó, anh lật đật xách xe máy chạy về gặp tôi cho kịp giờ hẹn lên bệnh viện Ung Bướu lúc 1 giờ rưỡi chiều nên bỏ cả buổi cơm trưa luôn. Tôi hẹn cả Nguyệt Thanh, Tú Trâm và Ngọc Huệ cùng đi. Chiều nay, MC Nguyễn Mạnh Cường có buổi họp đột xuất nên không tham gia được.Chúng tôi cùng có mặt tại bệnh viện Ung Bướu trên đường Nơ Trang Long quận Bình Thạnh lúc 2 giờ chiều. Hôm nay là ngày đầu tuần mà bệnh viện quá đông. Thân nhân, bệnh nhân kẻ đứng, người ngồi la liệt khắp nơi trong bệnh viện. Chúng tôi vào phòng hành chánh gặp cô y tá trực trong đó nhờ cô dẫn đi vào khoa Nội Tổng Hợp, là khoa có nhiều bệnh nhân nghèo cần giúp đỡ nhất. Cô ấy dẫn chúng tôi đi lên lầu vào một dãy hành lang chật hẹp đầy những thân nhân bệnh nhân đứng ngồi la liệt hai bên, bít kín cả lối đi. Mùi thuốc sát trùng và mồ hôi người tỏa ra cùng hơi nóng làm không khí ngột ngạt khó chịu vô cùng. Những cây quạt máy đặt trên những bức tường trong hành lang được mở hết công suất nhưng vẫn không xua tan được cái nóng bức ở đây. Mấy cô gái trong phái đoàn chúng tôi chịu không nổi đưa tay bịt mũi một cách kín đáo.Đầu tiên, chúng tôi vào phòng trực của khoa Nội Tổng Hợp để chờ các cô y tá đi lấy danh sách bệnh nhân. Có một cô nhìn thấy tôi thì mỉm cười và quay sang cô y tá bên cạnh thầm thì:-       Hình như anh này là nghệ sĩ thì phải. Thấy quen quen.Tôi nghe thấy nên nói đùa:-       Tôi là nghệ sĩ tên Ngọc Trong Đá nè.-       Sao gọi là Ngọc Trong Đá? – Cô ta thắc mắc.-       Là ngọc nhưng còn nằm trong đá nên chưa ai biết cả. Phải nhờ người ta đem ra mài dũa thì may ra mới sáng được. Giống như nghệ sĩ có tuổi mà chưa có tên vậy. – Tôi mỉm cười giải thích.Khi đó, một cô y tá đưa cho tôi cái danh sách có 31 bệnh nhân cần giúp đỡ chia đều ra cho 5 phòng. Chúng tôi theo chân cô ấy đi đến từng phòng bệnh nhân. Tôi nhìn vào trong thấy phát khiếp vì trong một phòng nhỏ như vậy mà chứa đến hơn 20 bệnh nhân. Có người được nằm trên giường, có người nằm dưới đất vì không đủ giường để nằm. Đa số là người già yếu và nghèo khó. Những thân nhân của họ thấy chúng tôi đến thì xòe tay xin tiền. Số lượng người nghèo tại đó quá đông, chỉ trong dãy hành lang đó cũng lên đến hàng trăm người, mà trong danh sách thì chỉ có 31 người thôi, nên khi chúng tôi phát xong hết cho những người có tên trong danh sách thì những người không được phát bu lại xung quanh tôi đông như kiến. Họ than nghèo kể khổ đủ chuyện, nhưng tôi không thể tự ý phát cho họ được. Trong này phức tạp quá, chẳng biết ai nghèo ai giàu. Trong lúc chen lấn phát quà, anh Thuận xém chút nữa bị kẻ xấu móc túi. Chúng tôi thấy trong này tạp nham quá nên cố lách đám đông vây quanh, thoát ra khỏi bệnh viện càng sớm càng tốt theo lời khuyên của cô y tá đi cùng. Vậy mà còn có khoảng 5, 6 người cứ đi theo chúng tôi cho đến bãi giữ xe và cố nài nỉ xin vài chục ngàn đồng. May nhờ có mấy anh bảo vệ đuổi đám người đó ra ngoài để chúng tôi lấy xe ra về.Nhìn đồng hồ thấy mới 3 giờ rưỡi nên chúng tôi bàn nhau qua bệnh viện Từ Dũ để thăm các em bị dị tật bẩm sinh bị cha mẹ bỏ rơi, và được các bác sĩ nuôi dưỡng trong đó. Nơi đây được gọi bằng một cái tên thật là đầm ấm và đầy ấp tính nhân bản là LÀNG HÒA BÌNH.Hôm nay cũng có một phái đoàn khác của ngân hàng SACOMBANK đến thăm và tặng bánh kẹo cho các em. Nơi đây rất thoáng mát và sạch sẽ. Chúng tôi được cô y tá là em gái của anh Thuận công tác tại đây hướng dẫn đi lên lầu 2 để vào một cái khu riêng biệt và sạch sẽ nhất ở đây. Tại đây, chúng tôi phải bọc đôi giầy của mình bằng cái bao nylon khử trùng. Thềm gạch bông sáng loáng. Phòng máy lạnh thật mát mẻ khác xa với cái thế giới hỗn độn bên Ung Bướu. Các nhân viên y tế ở đây từ cô trưởng khoa, phó khoa đến các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên đều có một trái tim thật nhân hậu với nụ cười lúc nào cũng hiện diện trên môi. Ngay phòng điều hành, tôi gặp ngay một anh chàng ngồi xe lăn, bị mất một chân, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, nói chuyện rất hoạt bát. Té ra là anh chàng tên Đức, cũng chính là cặp song sinh Việt Đức nổi tiếng một thời. Đức kể rằng sau khi được tách rời hai cơ thể ra thì Việt đã qua đời, nhường quyền sống sót lại cho Đức. Hiện tại sức khỏe anh rất tốt và anh chuyên phụ trách về mảng kỷ thuật, cũng như xử lý các số liệu trên vi tính cho cả khoa tại đây.Sau đó, chúng tôi qua từng phòng để thăm hỏi và động viên các em. Đa số các em ở đây đều bị cha mẹ bỏ rơi vì biết con mình bị dị tật hoặc quái thai. Có em bị mù cả hai mắt, vừa câm vừa điếc, có em bị liệt cả tứ chi chỉ nằm một chỗ, em thì bị u não, bướu nước trong não, em thì bị ung thư da, lở loét toàn thân… Ôi thôi! Nhiều vô kể. Nhưng tất cả đều được các y bác sĩ tại đây tận tăm điều trị và nuôi dưỡng từ năm này qua năm nọ trong một môi trường hết sức sạch sẽ và ngăn nắp. Có rất nhiều phái đoàn từ thiện đã tới đây thăm hỏi, động viên và quyên góp để nuôi sống các em. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tình nguyện viên tuổi đời còn trẻ nhưng cũng đến để giúp các y bác sĩ chăm sóc, tắm rửa, cho ăn uống và giặt giũ. Mồ hôi đổ trên trán họ thành dòng nhưng họ luôn mỉm cười hạnh phúc vì việc làm ý nghĩa của mình có thể chia sẻ được phần nào nỗi đau của các em. Mới đầu, khi bước chân vào phòng có những em bại liệt nằm trên tấm plastic đặt giữa sàn nhà, tôi thấy một cô gái trẻ có gương mặt rất thánh thiện và một anh chàng hơi mập mạp ăn mặc giản dị đang cho từng em ăn cháo, tôi hỏi cô y tá:-       Mấy đứa nhỏ nằm đó là con của anh chị đó hả cô?-       Không đâu! – Cô y tá đáp. – Họ là tình nguyện viên đó.Ôi! Đáng trân trọng thay có những con người như vậy vẫn còn tồn tại trong cái xã hội đầy rẫy nhưng xa hoa phù phiếm ngày nay. – Tôi nghĩ bụng. Cô gái trẻ này tuổi đời cũng xấp xỉ mấy cô cậu loai choai ngoài kia mà đã có tấm lòng nhân ái biết sẻ chia nỗi đau cho nhân loại như vậy, trên đời này chẳng mấy ai. Tôi nhìn cô ấy gật đầu mỉm cười thay cho lời cảm ơn.Chúng tôi bước qua một phòng khác, nơi cư ngụ của các em lớn tuổi hơn. Có một em thấy tôi thì liền chồm tới nắm chặt lấy tay tôi và rướn người lên, ý là muốn được tôi ẵm lên. Em bị liệt hai chân không thể tự đứng được. Tôi xốc nách em nâng lên nâng xuống cả chục lần làm em cười thích thú. Tôi biết rằng em mơ ước được nâng niu, ôm ấp, vỗ về bởi em thiếu tình thương yêu của người cha, người mẹ. Có đứa con nào lại không muốn có được cha mẹ bên cạnh. Nhưng sao lại có những con người nhẫn tâm từ bỏ núm ruột của mình đẻ ra khi mà chúng chưa được sống một ngày đúng nghĩa là con người. Những con người đó phải bị xã hội lên án.Tất cả số tiền còn lại trong đợt làm từ thiện lần này là 10,800,000 đồng được tôi trao tận tay cho cô trưởng khoa (Làng Hòa Bình) để các cô trực tiếp nuôi nấng, chăm sóc và chữa trị cho các em. Chúng tôi tin tưởng các vị “từ mẫu” này vì thấy họ thật sự có tấm lòng quảng đại bởi không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Chỉ có những người biết yêu thương nhân loại quên cả bản thân mình, biết chia sẻ nỗi đau của người khác, biết vượt qua sự sợ hãi, sự ghê tởm và kiềm chế được tất cả mọi giác quan thì mới vượt qua được những khó khăn thử thách khi sống chung với những người bệnh như vậy. Tôi nhìn thấy tận mặt và thật sự kính phục họ.Trước khi chia tay, cô trưởng khoa có tặng cho tôi rất nhiều những món quà và huy hiệu được làm từ những bàn tay bé nhỏ đang nằm, bò, trườn trong kia. Chúng là những hình hài không giống con người nhưng có một trái tim thật sự tinh khiết. Tôi nói với cô ấy rằng sẽ đem qua Mỹ để tặng lại cho các mạnh thường quân. Cô ấy tiễn chúng tôi ra cửa và có lời cảm ơn các bạn bè thân hữu của tôi đã có những đóng góp thiết thực, giúp đỡ cho các em trong làng Hòa Bình và mong rằng sẽ còn được nhận tiếp tục từ những tấm lòng hảo tâm lúc nào cũng hướng về quê hương.Anh Thuận chở tôi về đến khách sạn là 5 giờ chiều. Hai anh em lật đật tắm rửa, thay đồ xong là anh chở tôi bằng xe gắn máy đèo thêm mấy cái vali lỉnh kỉnh hàng hóa chạy một mạch ra sân bay cho kịp chuyến bay lúc 7 giờ tối nay.Bây giờ tôi có thể thật sự dành thời gian còn lại tại Việt Nam cho mình và cho gia đình. Đang ngồi trong phi trường đợi check-in mà điện thoại réo inh ỏi. Mấy ông chú tôi ngoài Huế điện vào hỏi đã ra sân bay chưa. Đã lâu không gặp thằng cháu cưng nên lần này nghe tôi về Việt Nam, mấy ông chú đều rất vui mừng. Nhỏ em gái tôi và chồng nó là bác sĩ tại bệnh viện Huế đem xe hơi ra tận sân bay đón. Trên đường về, tôi đói bụng quá nên đề nghị tụi nó tấp vào một quán phở bên đường tên là Phở Sài Gòn. Tôi nói đùa:-       Tại Sài Gòn không ăn phở mà khi ra Huế lại đi ăn phở Sài Gòn.Nghe xong, thằng em rễ hùa theo:-       Thì cũng giống như ở Sài Gòn mà anh đi ăn quán Phở Cali vậy đó.Tụi tôi cười ha hả. Đói quá nên tôi ăn thấy ngon tuyệt. Trên máy bay tự nhiên tôi thèm phở bên Mỹ ghê. Nhớ lại thỉnh thoảng sau khi đi làm đêm tại Thùy Dương về, tôi thường hay ghé Phở Lú với vài người bạn, cùng ngồi ăn phở và tán gẫu đến gần 2 giờ sáng mới chịu trả tiền ra về. Thật ra, phở bên Mỹ nấu ngon và chất lượng hơn bên Việt Nam, nhưng tôi vẫn thích phở bên Việt Nam hơn vì nó có cái hương vị quê hương trong đó. Cái mùi khói bụi, mùi lề đường, mùi mồ hôi và trò chuyện rôm rả. Cái hương vị đó không nơi nào có được, vì đó là hương vị quê hương mình.

Read more